Vai trò của giấc ngủ trong chống lão hóa

Vai trò của giấc ngủ trong chống lão hóa

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể người, trong đó có làn da.

Giấc ngủ thì liên quan gì đến quá trình lão hóa của cơ thể, làn da? Chắc hẳn bạn cũng giống nhiều người, đang có cùng băn khoăn đó. Vậy hãy cùng Elravie tìm hiểu lý do vì sao, giấc ngủ lại quan trọng đối với quá trình chống lão hóa nhé!

Những lý do khiến giấc ngủ trở nên quan trọng trong công cuộc chống lão hóa

Khi bạn ngủ, cơ thể sản sinh hormone tăng trưởng giúp sửa chữa và tái tạo các tế bào và mô bị tổn thương. Điều này giúp duy trì làn da khỏe mạnh và giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và da chảy xệ.

Chưa kể, ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm tình trạng viêm trong cơ thể bạn. Điều này rất quan trọng bởi viêm mãn tính có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, góp phần không nhỏ vào quá trình lão hóa của cơ thể.

Một lý do khác không thể không kể đến, đó là trong quá trình ngủ, da sẽ trải qua một quá trình tái tạo. Theo đó, các tế bào da mới được sản sinh và thay thế các tế bào già cỗi, bị hư hại, giúp làn da trở tươi trẻ và mịn màng hơn.

Có thể bạn không biết, nhưng căng thẳng có thể phá hủy collagen, làm cho da trở nên mỏng và dễ bị nếp nhăn hơn. Và thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng và stress, khiến cơ thể gia tăng sản xuất cortisol, loại hormone có khả năng phá hủy collagen.

Hệ miễn dịch của bạn sẽ được cải thiện nhờ vào việc ngủ đủ giấc. Đồng nghĩa với việc, cơ thể bạn có đủ sức khỏe chống lại các bệnh tật và nhiễm trùng. Từ đó duy trì sức khỏe tổng thể và làm chậm quá trình lão hóa.

Nội tiết tố có quan trọng đối với lão hóa? Tất nhiên, một giấc ngủ đủ và chất lượng giúp duy trì sự cân bằng của các hormone trong cơ thể, như hormone giới tính, hormone tuyến giáp, và hormone điều chỉnh sự trao đổi chất… Tất cả chúng đều đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình lão hóa của con người.

Nhìn chung, nếu muốn duy trì làn da trẻ trung và khỏe mạnh, một giấc ngủ đủ, chất lượng là điều rất cần thiết. Bởi nó không chỉ cải thiện vẻ ngoài mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể cũng như chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Những cách giúp bạn có giấc ngủ chất lượng

Không phải ai may mắn đặt lưng xuống là có thể ngủ một giấc thật ngon, thật sâu. Nhiều người bị rối loạn giấc ngủ, gây ra tình trạng khó ngủ, thậm chí là mất ngủ trong thời gian dài nên sức khỏe thể chất và tinh thần đều không tốt.

Quan sát một chút có thể thấy, những ai bị khó ngủ, mất ngủ thường có một đôi mắt thâm quầng, khí sắc kém, da thâm sạm. Vậy làm thế nào để có một giấc ngủ chất lượng, cùng tham khảo một số biện pháp sau:

Tạo thói quen ngủ và thức dậy đều đặn vào một khung giờ, không kể ngày đi làm hay cuối tuần, giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể, giúp dễ dàng đi vào giấc ngủ và thức dậy tự nhiên.

Tạo môi trường ngủ lý tưởng với phòng tối, yên tĩnh, mát mẻ. Có thể sử dụng thêm rèm cửa hoặc mặt nạ che mắt để tránh ánh sáng làm phiền. Đảm bảo rằng nệm và gối của bạn luôn sạch sẽ, mang lại cảm giác thoải mái.

Giảm thiểu ánh sáng xanh – thứ khiến cho cơ thể giảm sản xuất melatonin, một hormone giúp bạn ngủ tốt hơn bằng cách dừng sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ.

Một phương pháp được khá nhiều người thực hiện để có một giấc ngủ ngon đó là thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc nhẹ, thực hiện các bài tập thở sâu, thiền. Tránh các hoạt động kích thích như xem phim hành động, chơi game hoặc làm việc căng thẳng.

Chế độ ăn uống và lối sống cũng quyết định rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Buổi tối, nên tránh tiêu thụ caffeine và nicotine; tránh ăn nhiều hoặc ăn những món khó tiêu. Nhiều người thường “mượn rượu” để đi vào giấc ngủ nhưng không biết rằng nó khiến cho giấc ngủ của bạn bị gián đoạn.

Tập thể dục giúp bạn ngủ ngon hơn, nhưng tránh tập quá gần giờ đi ngủ bởi sẽ khiến bạn khó ngủ thêm.

Có một điều đặc biệt cần chú ý nếu không muốn mất ngủ, đó là đừng mang theo lo lắng, công việc vào giấc ngủ. Đây là một điều không hề dễ nhưng hãy cố gắng nhất có thể. Trong trường hợp đã làm đủ mọi cách mà giấc ngủ vẫn không được cải thiện, bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ có lẽ là người bạn cần gặp nhất để có được những lời tư vấn hữu ích nhất.

Để lại một bình luận