Kem chống nắng đi bơi khác gì kem chống nắng thường?

Thị trường kem chống nắng vô cùng phong phú, đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng. Kem chống nắng đi bơi hiện được nhiều người yêu thích. Cùng tìm hiểu sự khác biệt của nó so với kem chống nắng thường.

Kem chống nắng đi bơi thích hợp cho các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là khi bơi lội, chơi thể thao dưới nước, hoặc những ai bị đổ nhiều mồ hôi. Còn kem chống nắng thường sẽ phù hợp cho các hoạt động hàng ngày như đi làm, đi dạo hoặc các hoạt động trong nhà.

Kem chống nắng đi bơi và kem chống nắng thường có một số điểm khác biệt quan trọng về thành phần và tính năng để phù hợp với các môi trường sử dụng khác nhau, cùng Elravie tìm hiểu nhé.

Khả năng chống nước

Kem chống nắng đi bơi được thiết kế với khả năng chống nước (water-resistant) hoặc không thấm nước (waterproof), giúp kem bám lâu trên da trong điều kiện bơi lội, ra mồ hôi nhiều hoặc tiếp xúc với nước. Trên nhãn thường ghi rõ thời gian chống nước, trong khoảng từ 40 đến 80 phút. Để biết kem chống nắng mình sử dụng có phải loại đi bơi không, bạn có thể để ý một chút đến bao bì của sản phẩm.

Trong khi đó, khả năng chống nước của kem chống nắng thường sẽ thấp hơn, thậm chí không chống nước. Loại này cần thoa lại thường xuyên nếu tiếp xúc với nước bởi khi gặp nước hoặc mồ hôi dễ bị trôi.

Độ bám dính trên da của kem chống nắng đi bơi

Kem chống nắng đi bơi có độ bám dính cao, khó bị trôi hay rửa sạch dưới nước. Kết cấu của loại kem chống nắng này thường dày, lâu thấm vào da hơn giúp giữ lớp bảo vệ trên da lâu hơn.

Kem chống nắng thường có kết cấu nhẹ và dễ thấm hơn, phù hợp với các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên,  khi sử dụng trong môi trường nhiều nước thì nó không hiệu quả.

Thành phần chống tia UV

Thành phần hóa học trong kem chống nắng đi bơi thường mạnh mẽ hơn, giúp tạo một lớp màng bảo vệ lâu dài dưới tác động của nước và ánh nắng. Một số loại kem chống nắng đi bơi còn chứa thành phần vật lý như oxit kẽm hoặc titanium dioxide để tăng cường khả năng chống lại tia UVA và UVB.

Kem chống nắng thường lại tập trung vào việc bảo vệ da khỏi tia UV trong môi trường khô ráo. Do đó, thành phần chống tia UV có thể ít bền hơn khi gặp nước.

Độ thân thiện với môi trường

Một số loại kem chống nắng đi bơi được thiết kế thân thiện với môi trường, thậm chí có loại được gắn nhãn reef-safe sunscreen (an toàn cho rạn san hô), không chứa các hóa chất có thể gây hại cho hệ sinh thái biển như oxybenzone và octinoxate.

Còn kem chống nắng thường không phải lúc nào cũng an toàn cho môi trường nước, đặc biệt là môi trường biển.

Tần suất thoa lại

Kem chống nắng đi bơi thường có thể kéo dài đến 80 phút trong nước. Tuy nhiên, sau khi bơi hoặc lau khô da vẫn cần thoa lại để đảm bảo hiệu quả bảo vệ.

Kem chống nắng thường cần thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc ngay sau khi tiếp xúc với nước, vì lớp bảo vệ dễ bị rửa trôi.

Nhìn chung, kem chống nắng đi bơi có khả năng chống nước và bám dính tốt hơn, phù hợp với các hoạt động tiếp xúc với nước. Kem chống nắng thường nhẹ hơn, dễ thoa và phù hợp cho các hoạt động hàng ngày không đòi hỏi khả năng chống nước mạnh mẽ.

Để lại một bình luận